Thủ tục quyết toán thuế cho một số trường hợp

Hướng dẫn thủ tục quyết toán thuế cho trường hợp doanh nghiệp sáp nhập và doanh nghiệp chuyển địa bàn kinh doanh đúng theo quy định sẽ giúp doanh nghiệp có thể chuẩn bị những hồ sơ giấy tờ, thủ tục để thực hiện nghĩa vụ quyết toán thuế với các cơ quan quản lý nhà nước. Nhờ đó có thể nhanh chóng tiến hành các thủ tục nhanh chóng không gây mất thời gian, công sức cũng như chi phí cho doanh nghiệp. 

thu tuc quyet toan thue 1

I. Thủ tục quyết toán thuế cho trường hợp doanh nghiệp sáp nhập

Đối với doanh nghiệp khi sáp nhập lại với nhau theo quy định tại Khoản 4, Điều 12 Thông tư 156/2013/TT-BTC về khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

“a) Khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm và khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp đến thời điểm có quyết định về việc doanh nghiệp thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động.”

Doanh nghiệp sẽ phải nộp tờ khai quyết toán thuế khi sáp nhập doanh nghiệp đến thời điểm có quyết định về việc sáp nhập doanh nghiệp.

Việc lập tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp là theo năm tài chính hoặc năm dương lịch và thời hạn cuối nộp tờ khai là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trong thời gian đó doanh nghiệp có sáp nhập thì có phải làm tờ khai quyết toán không hay được gộp với báo cáo tài chính năm trước đó. Theo quy định của Thông tư 78/2014/TT-BTC tại Điều 3, Khoản 3 quy định như sau:

“3. Trường hợp kỳ tính thuế năm đầu tiên của doanh nghiệp mới thành lập kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư và kỳ tính thuế năm cuối cùng đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản có thời gian ngắn hơn 03 tháng thì được cộng với kỳ tính thuế năm tiếp theo (đối với doanh nghiệp mới thành lập) hoặc kỳ tính thuế năm trước đó (đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản) để hình thành một kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm đầu tiên hoặc kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm cuối cùng không vượt quá 15 tháng.”

Vậy nếu doanh nghiệp khi sát nhập mà năm cuối cùng khi sáp nhập ngắn hơn 3 tháng thì được phép cộng với kỳ tính thuế năm trước đó để tạo kỳ tính thuế mới. Doanh nghiệp khi sáp nhập kỳ tính thuế năm cuối cùng không vượt quá 15 tháng. Doanh nghiệp có thể gộp hồ sơ quyết toán thuế khi sáp nhập doanh nghiệp với hồ sơ quyết toán thuế của năm trước nếu kỳ tính thuế năm cuối cùng không vượt quá 15 tháng theo quy định của Luật thuế TNDN.

Thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế khi sáp nhập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 3, Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định như sau:

“e) Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế đối với trường hợp doanh nghiệp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động chậm nhất là ngày thứ 45 (bốn mươi lăm), kể từ ngày có quyết định về việc doanh nghiệp thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động.”

Như vậy doanh nghiệp phải nộp hồ sơ khai quyết toán thuế khi sáp nhập doanh nghiệp trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày có quyết định về việc doanh nghiệp sáp nhập.

Lưu ý:

Doanh nghiệp bị sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi sáp nhập doanh nghiệp;
Nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì doanh nghiệp nhận sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

thu tuc quyet toan thue 2

II. Thủ tục quyết toán thuế khi doanh nghiệp chuyển địa điểm kinh doanh

1. Thủ tục quyết toán thuế khi chuyển địa điểm kinh doanh trong tỉnh

a. Chuyển địa điểm kinh doanh cùng quận, huyện ( cùng Chi cục thuế quản lý)

– Doanh nghiệp lập mẫu 08-MST gửi đến Chi Cục thuế và ghi rõ thông tin thay đổi về địa điểm kinh doanh.

– Cục thuế sẽ cập nhật các thông tin thay đổi vào hệ thống dữ liệu đăng ký thuế trong thời hạn 2 ngày

– Doanh nghiệp không phải quyết toán thuế khi chuyển địa điểm kinh doanh trong trường hợp này.

b. Chuyển địa điểm kinh doanh trong cùng địa bàn tỉnh ( Cùng Chi Cục thuế)

Hồ sơ gồm những tài liệu sau:

– Doanh nghiệp lập mẫu 08-MST ban hành theo Thông tư 156/2013/TT-BTC.

– Hồ sơ được lập làm 2 bản gửi cho Chi cục thuế chuyển đi và chi cục thuế chuyển đến.

– Doanh nghiệp không phải quyết toán thuế khi chuyển địa điểm kinh doanh trong trường hợp này.

Lưu ý: Chi Cục thuế chuyển đi phải lập thông báo tình hình nộp thuế của người nộp thuế mẫu 09-MST ban hành theo Thông tư 80/2012/TT-BTC gửi đến Chi cục thuế nơi người nộp thuế chuyển đến trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ chuyển địa điểm.

2. Quyết toán khi chuyển địa điểm kinh doanh khác tỉnh

a. Tại Cục thuế người nộp thuế chuyển đi.

Doanh nghiệp khi chuyển đi phải nộp hồ sơ khai chuyển địa điểm kinh doanh gồm có:

– Thông báo chuyển địa điểm kinh doanh.

– Bản gốc giấy chứng nhận đăng ký thuế.

– Thông báo tình trạng kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp theo mẫu 09-MST ban hành theo Thông tư 80/2012/TT-BTC.
– Khi nhận được hồ sơ khai chuyển địa điểm của doanh nghiệp thì trong thời hạn 3 ngày làm việc cơ quan thuế nơi người nộp thuế chuyển đi:

+ Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký thuế của người nộp thuế.

+ Lập mẫu 09-MST ban hành theo Thông tư 80/2012/TT-BTC về tình hình nộp thuế của người nộp thuế, gửi cho doanh nghiệp và cho cơ quan thuế nơi người nộp thuế chuyển đến.

b. Tại Cục thuế người nộp thuế chuyển đến.

Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày cấp giấy phép kinh doanh người nộp thuế phải nộp hồ sơ đăng ký thuế gồm:

– Tờ khai đăng ký thuế, mã số thuế trên tờ khai là mã số thuế đã được cấp trước đó cho doanh nghiệp.

– Bản sao không cần chứng thực của Giấy phép đầu tư, giấy phép kinh doanh.

– Trong thời hạn 3 ngày làm việc cơ quan thuế phải cấp lại giấy chứng nhận đăng ký thuế cho người nộp thuế và giữ nguyên mã số thuế của người nộp thuế.

Lưu ý: Trong trường hợp này doanh nghiệp phải quyết toán thuế khi chuyển địa điểm kinh doanh đối với cơ quan thuế trước khi chuyển địa điểm kinh doanh.

Trên đây chúng tôi đã nêu rõ về các thủ tục quyết toán thuế cho 2 trường hợp là doanh nghiệp sáp nhập và doanh nghiệp chuyển địa điểm kinh doanh. Ngòai ra, còn có rất nhiều trường hợp khác mà doanh nghiệp buộc phải chuẩn bị những yêu cầu, thay đổi về thủ tục để quyết toán thuế cho cơ quan chức năng.

Mọi nhu cầu tư vấn kỹ càng và cụ thể cho từng trường hợp làm quyết toán thuế, vui lòng liên hệ với Phạm và Cộng Sự để được hỗ trợ tốt nhất.

CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ THUẾ- KẾ TOÁN – KIỂM TOÁN PHẠM VÀ CỘNG SỰ

Điện thoại: 0902483186

Email: taxserviceshn247@gmail.com