Cách làm quyết toán thuế TNCN trên phần mềm dưới đây sẽ giúp các bạn có thể nhanh chóng hoàn thành tờ khai quyết toán thuế TNCN và hoàn thành hồ sơ, báo cáo thuế một cách chính xác, tiết kiệm được thời gian nhất.
Sau đây, Phạm và Cộng Sự sẽ hướng dẫn quyết toán thuế TNCN cụ thể trên phần mềm để các bạn có thể tham khảo. Mời các bạn cùng chúng tôi theo dõi.
Bước 1: Tải và cài đặt phần mềm quyết toán thuế TNCN
– Tải về phần mềm hỗ trợ kê khai mới nhất và đăng nhập vào phần mềm để làm quyết toán thuế TNCN: htkk mới nhất
– Chọn “Quyết toán thuế thu nhập cá nhân” -> Chọn “Tờ khai 05/QTT-TNCN” -> Chọn “Kỳ tính thuế”, màn hình sẽ xuất hiện như hình dưới:
Chú ý: Những tổ chức, doanh nghiệp mới thành lập không từ ngày 01/01 của năm quyết toán nên không tròn năm thì click vào ô: “Quyết toán không tròn năm” và bắt buộc phải nhập vào ô lý do. Để click chọn được vào đây thì phải quay lại bước chọn “Kỳ tính thuế” -> Phải chọn từ tháng mấy -> Thì khi vào trong tờ khai mới click được vào đây.
Bước 2: Lập tờ khai quyết toán thuế TNCN mẫu 05/QTT-TNCN
Để lập tờ khai quyết toán thuế TNCN thì cách tốt nhất là nhập dữ liệu trên Excel rồi tải lên HTKK để tránh bị lỗi font chữ và nếu có trục trặc gì cũng không bị mất dữ liệu
Chỉ cần nhập ở các phụ lục 05-1/BK-QTT-TNCN, PL 05-2/BK-QTT-TNCN và PL 05-3/BK-QTT-TNCN. Sau đó phần mềm sẽ tự động cập nhật sang “Tờ khai 05/QTT-TNCN”.
I. Cách làm quyết toán thuế TNCN: lập phụ lục 05-1/BK-QTT-TNCN
Những cá nhân cư trú ký hợp đồng từ 3 tháng trở lên thì kê khai vào phụ lục này:
– Chỉ tiêu [07] đến [09]: Nhập theo từng cá nhân. Nhập MST vào chỉ tiêu [08] thì không cần nhập số CMND/Hộ chiếu vào chỉ tiêu [09].
– Nếu muốn thêm dòng thì ấn phím “F5”. Nếu muốn xóa dòng thì ấn phím “F6”.
– Chỉ tiêu [10] – Cá nhân nào uỷ quyền cho tổ chức, doanh nghiệp quyết toán thay thì click vào ô vuông. Chi tiết xem công văn CV-801-TCT-TNCN (Phải có giấy ủy quyền theo mẫu 02/UQ-QTT-TNCN Ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày15/6/2015 của Bộ Tài chính. Chi tiết về các trường hợp được ủy quyền quyết toán thuế thay được quy định tại điểm a.4, Khoản 3, Điều 21 Thông tư này).
* Phần “Thu nhập chịu thuế”:
– Chỉ tiêu [11] Tổng số: Là tổng các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công đã trả trong kỳ cho cá nhân cư trú có ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên, kể cả các khoản tiền lương, tiền công nhận được do làm việc tại khu kinh tế và thu nhập được miễn, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần.
Lưu ý: Các khoản thu nhập của cá nhân người lao động ở phụ lục 05-1/BK-QTT-TNCN này không được giảm trừ hoặc miễn thuế. Tức là Tổng thu nhập bao nhiêu thì nhập vào chỉ tiêu [11] bấy nhiêu. Cách tính:
Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – Các khoản được miễn thuế
Tổng thu nhập: Là tổng số các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập chịu thuế khác có tính chất tiền lương, tiền công mà cơ quan chi trả đã trả cho cá nhân.
Các khoản được miễn thuế theo quy định: Tại Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC và Điều 12 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định về các khoản được miễn.
– Chỉ tiêu [12] Làm việc trong KKT: Là các khoản thu nhập chịu thuế mà doanh nghiệp trả thu nhập trả cho cá nhân do làm việc tại khu kinh tế, không bao gồm thu nhập được miễn giảm theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (nếu có).
– Chỉ tiêu [13] Theo hiệp định: Là các khoản thu nhập chịu thuế làm căn cứ xét miễn, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
* Phần: “Các khoản giảm trừ”
– Chỉ tiêu [15] Tổng số tiền giảm trừ gia cảnh: Là tổng các khoản giảm trừ cho bản thân người nộp thuế và các khoản giảm trừ cho người phụ thuộc. Trong đó:
+ Giảm trừ cho bản thân = 09 triệu đồng/tháng x Tổng số tháng đã tính giảm trừ trong năm.
Trường hợp cá nhân ủy quyền quyết toán cho tổ chức, doanh nghiệp thì giảm trừ cho bản thân được tính đủ 12 tháng là 108 triệu đồng/năm.
+ Giảm trừ cho người phụ thuộc = 3,6 triệu đồng/người x Tổng số tháng đã tính giảm trừ cho người phụ thuộc trong năm.
Trường hợp cá nhân ủy quyền quyết toán cho tổ chức, doanh nghiệp thì giảm trừ cho người phụ thuộc được tính đủ theo thực tế phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng trong kỳ nếu cá nhân có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc theo quy định (Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính ).
– Chỉ tiêu [16] Từ thiện, nhân đạo, khuyến học: Là các khoản chi đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương tựa; các khoản chi đóng góp vào các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học được thành lập và hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học, không nhằm mục đích lợi nhuận (nếu có).
– Chỉ tiêu [17] Bảo hiểm được trừ: Là các khoản đóng góp bảo hiểm gồm: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc. Cụ thể: BHXH: 8%, BHYT: 1,5%, BHTN: 1%.
– Chỉ tiêu [18] Quỹ hưu trí tự nguyện được trừ: Là tổng các khoản đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện theo thực tế phát sinh nhưng tối đa không quá 01 triệu đồng/tháng, kể cả trường hợp đóng góp vào nhiều quỹ (Điều 15 Thông tư 92/2015/TT-BTC).
– Chỉ tiêu [19] Thu nhập tính thuế: Phần mềm sẽ tự động cập nhật.
– Chỉ tiêu [20] Số thuế TNCN đã khấu trừ: Là tổng số thuế TNCN mà tổ chức, doanh nghiệp đã khấu trừ của cá nhân cư trú có hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên trong kỳ.
– Chỉ tiêu [21] Số thuế TNCN được giảm do làm việc trong khu kinh tế:
– Số thuế được giảm bằng 50% số thuế phải nộp của thu nhập chịu thuế cá nhân nhận được do làm việc trong khu kinh tế (nếu có).
– Chỉ tiêu [22] Tổng số thuế phải nộp: Là tổng số thuế phải nộp của cá nhân uỷ quyền quyết toán thay. Cụ thể: Chỉ tiêu [22] = ([19] x Thuế suất biểu thuế lũy tiến) – [20].
– Chỉ tiêu [23] Số thuế đã nộp thừa: Nếu xuất hiện chỉ tiêu này thì có thể xảy ra trường hợp hoàn thuế hoặc chuyển kỳ sau.
– Chỉ tiêu [24] Số thuế còn phải nộp: Nếu xuất hiện chỉ tiêu này thì tổ chức, doanh nghiệp phải đi nộp thêm tiền thuế.
II. Cách lập phụ lục 05-2/BK-QTT-TNCN
Hướng dẫn quyết toán thuế TNCN này dành cho tổ chức, doanh nghiệp kê khai thu nhập đã trả cho những cá nhân không cư trú, cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng.
– Chỉ tiêu [07] đến [09]: Nhập theo từng cá nhân. Nhập MST vào chỉ tiêu [08] thì không cần nhập số CMND/Hộ chiếu vào chỉ tiêu [09].
– Nếu muốn thêm dòng thì ấn phím “F5”. Nếu muốn xóa dòng thì ấn phím “F6”.
– Chỉ tiêu [10]: Nếu là cá nhân không cư trú thì click vào ô này.
– Chỉ tiêu [11] Tổng số: Là tổng các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công đã trả trong kỳ cho cá nhân không cư trú, cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc có hợp đồng lao động dưới 03 tháng, kể cả các khoản tiền lương, tiền công nhận được do làm việc tại khu kinh tế và thu nhập được miễn, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần.
Lưu ý: Các khoản thu nhập của cá nhân người lao động ở phụ lục 05-2/BK-QTT-TNCN này không được giảm trừ hoặc miễn thuế. Tức là Tổng thu nhập bao nhiêu thì nhập vào chỉ tiêu [11] bấy nhiêu.
– Chỉ tiêu [12]: TNCT từ phí mua BH nhân thọ, BH không bắt buộc khác của doanh nghiệp BH không thành lập tại Việt Nam cho người lao động (nếu có).
– Chỉ tiêu [13] Làm việc trong KKT: Là các khoản thu nhập chịu thuế mà tổ chức, cá nhân trả thu nhập trả cho cá nhân do làm việc tại khu kinh tế trong kỳ, không bao gồm thu nhập được miễn giảm theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (nếu có).
– Chỉ tiêu [14] Theo hiệp định: Là các khoản thu nhập chịu thuế làm căn cứ xét miễn, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
– Chỉ tiêu [15] Số thuế TNCN đã khấu trừ: Là tổng số thuế thu nhập cá nhân mà tổ chức, cá nhân trả thu nhập đã khấu trừ của từng cá nhân trong kỳ.
Lưu ý: Nếu cá nhân có làm bản cam kết mẫu 02/CK-TNCN (Ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC), tức là không khấu trừ 10% thì nhập “0 đồng” vào đây.
– Chỉ tiêu [16]: Là số thuế khấu trừ từ phí mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác của doanh nghiệp Bảo hiểm không thành lập tại Việt Nam cho người lao động (nếu có).
– Chỉ tiêu [17] Số thuế TNCN được giảm do làm việc trong khu kinh tế: Số thuế được giảm bằng 50% số thuế phải nộp của thu nhập chịu thuế cá nhân nhận được do làm việc tại khu kinh tế (nếu có).
III. Cách lập phụ lục 05-3/BK-QTT-TNCN
Hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp cho tổ chức, doanh nghiệp trả thu nhập kê khai đầy đủ 100% người phụ thuộc đã tính giảm trừ trong năm 2018. Những đối tượng sẽ vào Phụ lục bảng kê 05-3/BK-QTT-TNCN này.
– Đối với những NPT đã được cấp MST thì không phải khai đủ các thông tin định danh, chỉ cần khai thông tin tại các chỉ tiêu [06] “STT”, [07] “Họ và tên người nộp thuế”, [08] “MST của người nộp thuế”, [09] “Họ và tên người phụ thuộc”, [10] “Ngày sinh người phụ thuộc”, [11] “MST của người phụ thuộc”, [14] “Quan hệ với người nộp thuế”, [21] “Thời gian tính giảm trừ từ tháng”, [22] “Thời gian tính giảm trừ đến tháng”.
Lưu ý: Để thực hiện quyết toán thuế TNCN năm 2018 thì Người phụ thuộc phải được cấp MST (Xem hướng dẫn của Cục Thuế về cách đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh).
Bước 3: Hoàn tất quyết toán thuế TNCN
Sau khi đã kê khai xong 3 phụ lục thì ấn nút: “Ghi” -> Sang bên tờ khai “05-QTT-TNCN” để kiểm tra lại số liệu.
– Nếu xuất hiện chỉ tiêu [45] thì tổ chức, doanh nghiệp phải nộp thêm tiền thuếTNCN
– Nếu xuất hiện chỉ tiêu [46] thì tổ chức, doanh nghiệp theo dõi bù trừ kỳ sau hoặc làm thủ tục hoàn thuế TNCN.
Bước 4: Kết xuất dữ liệu ra file
Sau khi cập nhật dữ liệu vào các phần mềm kê khai, cá nhân thực hiện:
Kết xuất dữ liệu ra file: Sử dụng các chức năng của phần mềm để kết xuất dữ liệu ra file theo đúng định dạng của CQT quyđịnh.
Lưu ý: Kiểm tra số liệu khớp đúng giữa bản in ra giấy và file dữ liệu. CQT sẽ yêu cầu gửi lại file dữ liệu nếu có chênh lệch với bản giấy hoặc sai tên, sai cấu trúc, định dạng qui định.
Bước 5: Gửi file dữ liệu quyết toán đến CQT
Đối với các file dữ liệu đã được kết xuất tại bước 3, NNT có thể gửi file đến cơ quan thuế theo một trong hai cách sau:
+ Gửi qua mạng internet: NNT truy cập trang điện tử http://thuedientu.gdt.gov.vn (phân hệ CÁ NHÂN), sử dụng chức năng Tải tờ khai để gửi file dữ liệu cho CQT và thực hiện các bước theo hướng dẫn sử dụng phần mềm.
+ Gửi trực tiếp tại CQT hoặc qua bưu điện cùng với hồ sơ khai thuế bằng giấy: NNT ghi tệp dữ liệu vào đĩa CD hoặc USB. Tuy nhiên, CQT khuyến khích Cá nhân gửi file qua internet hoặc qua bưu điện.
Bước 6: Nộp hồ sơ quyết toán thuế
NNT gửi hồ sơ khai quyết toán thuế đã in đến cơ quan thuế theo các hình thức như: Nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của Luật thuế TNCN.
Bước 7: Theo dõi kết quả gửi file
Sau khi gửi hồ sơ quyết toán, file dữ liệu, NNT truy cập vào cổng thông tin điện tử http://thuedientu.gdt.gov.vn (phân hệ CÁ NHÂN), để theo dõi kết quả gửi tệp dữ liệu (Xem chi tiết hướng dẫn sử dụng phần mềm trên địa chỉ http://thuedientu.gdt.gov.vn (phân hệ CÁ NHÂN)
Bước 8: Điều chỉnh số liệu quyết toán
Khi có các sai sót cần điều chỉnh hoặc nhận được thông báo cần điều chỉnh của CQT, cá nhân thực hiện kê khai quyết toán, kết xuất lại tệp dữ liệu và gửi cho CQT. Các bước thực hiện bắt đầu từ Bước 1 đến Bước 6.
Trên đây, chúng tôi đã hướng dẫn các bạn cách làm quyết toán thuế thu nhập cá nhân với 8 bước cụ thể như trên. Hướng dẫn quyết toán thuế TNCN năm hay cách quyết toán thuế TNCN năm được thực hiện tương tự.
Mọi nhu cầu tư vấn kỹ càng hơn về cách làm quyết toán thuế TNCN hãy liên hệ cho Phạm và Cộng Sự để được giải đáp tốt nhất. Rất hân hạnh được phục vụ các bạn!