Phạm và Cộng Sự sẽ chia sẻ các bạn cách làm thủ tục, tờ khai quyết toán thuế GTGT mẫu 04/GTGT để các bạn có thể nắm rõ hơn về các thủ tục và cách khai thuế giá trị gia tăng chính xác và đầy đủ nhất.
1. Quy định về thủ tục kê khai quyết toán thuế GTGT
Các quy định về thủ tục khai quyết toán thuế GTGT cụ thể như sau:
Khai quyết toán thuế GTGT năm theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT
– Trình tự thực hiện
+ Người nộp thuế chuẩn bị số liệu, lập tờ khai và gửi đến cơ quan thuế chậm nhất vào ngày thứ 90, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.
+ Cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ, xử lý và theo dõi nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.
+ Người nộp thuế tự nộp tiền thuế vào Ngân sách Nhà nước theo số thuế đã kê khai
– Cách thức thực hiện
+ Gửi trực tiếp tại cơ quan thuế quản lý người nộp thuế hoặc qua hệ thống bưu chính.
– Thành phần, số lượng hồ sơ:
+ Thành phần hồ sơ, bao gồm:
– Tờ khai quyết toán thuế GTGT – mẫu số 04/GTGT
+ Số lượng hồ sơ: 01 (bộ)
– Thời hạn giải quyết:
+ Không phải trả lại kết quả cho người nộp thuế
– Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: các tổ chức thuộc đối tượng kê khai, nộp thuế GTGT. Cá nhân được ủy quyền, bộ phận kế toán trực tiếp phụ trách công việc này.
– Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
+ Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Cục thuế
+ Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Cục thuế
– Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Tờ khai thuế gửi đến cơ quan thuế không có kết quả giải quyết.
2. Cách lập tờ khai quyết toán thuế GTGT mẫu số 04/GTGT
Để lập tờ khai quyết toán thuế GTGT hoàn chỉnh theo mẫu 04/GTGT thì bạn cần hoàn thành các chỉ tiêu có trong tờ khai thuế. Cụ thể như sau:
– Mã số [01]: Ghi chính xác thời gian của kỳ tính thuế
– Từ mã số [02] đến mã số [09]: Ghi đầy đủ, chính xác theo tờ khai đăng ký thuế của NNT.
Chỉ tiêu 1 “Hàng hoá tồn kho đầu năm”:
Chỉ tiêu “Hàng tồn kho đầu năm” trên Tờ khai quyết toán thuế GTGT bao gồm toàn bộ giá trị hàng hoá tồn kho đầu kỳ là giá trị hàng hoá tồn kho của kỳ tính thuế đầu tiên trong năm. NNT phải ghi riêng giá trị hàng hoá tồn kho đầu kỳ theo từng loại thuế suất thuế GTGT.
– Mã số [10] ghi giá trị hàng hoá tồn kho đầu kỳ loại thuế suất 5%.
– Mã số [11] ghi giá trị hàng hoá tồn kho đầu kỳ loại thuế suất 10%.
Chỉ tiêu 2 “Giá vốn của HHDV mua ngoài sử dụng cho SXKD hàng hoá dịch vụ chịu thuế GTGT bán ra”
NNT phải ghi theo từng loại thuế suất như sau:
– Mã số [12] ghi giá vốn của HHDV mua ngoài sử dụng cho SXKD hàng hoá dịch vụ chịu thuế GTGT bán ra loại thuế suất 5%. Chỉ tiêu này phản ánh giá vốn HHDV mua ngoài của HHDV bán ra loại chịu thuế GTT 5% của các kỳ tính thuế trong năm.
– Mã số [11] ghi giá vốn của HHDV mua ngoài sử dụng cho SXKD hàng hoá dịch vụ chịu thuế GTGT bán ra loại thuế suất 10%. Chỉ tiêu này phản ánh giá vốn HHDV mua ngoài của HHDV bán ra loại chịu thuế GTT 10% của các kỳ tính thuế trong năm.
Chỉ tiêu 3 “Tổng doanh thu HHDV chịu thuế GTGT bán ra”
NNT phải ghi riêng doanh thu của HHDV chịu thuế GTGT bán ra theo từng loại thuế suất thuế GTGT.
– Mã số [14] ghi tổng doanh thu HHDV chịu thuế GTGT bán ra loại thuế suất 5%. Chỉ tiêu này phản ánh tổng doanh số HHDV bán ra chịu thuế GTGT 5% trong năm.
– Mã số [15] ghi tổng doanh thu HHDV chịu thuế GTGT bán ra loại thuế suất 10%. Chỉ tiêu này phản ánh tổng doanh số HHDV bán ra chịu thuế GTGT 10% trong năm.
Chỉ tiêu 4 “Giá trị gia tăng phát sinh trong kỳ”
Số liệu ghi vào chỉ tiêu “giá trị gia tăng phát sinh trong kỳ” được ghi riêng theo từng loại thuế suất; Loại thuế suất 5% ghi vào mã số [16] ; loại thuế suất 10% ghi vào mã số [17]; Trong đó:
– Mã số [16] = [14] – [12]
– Mã số [17] = [15] – [13]
Chỉ tiêu 5 “Thuế GTGT phát sinh phải nộp của năm”
Chỉ tiêu này được tính trên giá trị gia tăng phát sinh trong kỳ và thuế suất thuế GTGT của HHDV chịu thuế GTGT; Trong đó:
– Mã số [18] = [16] x 5%
– Mã số [19] = [17] x 10%
Trường hợp mã số [16] < 0 thì mã số [18] = 0;
Trường hợp mã số [17] < 0 thì mã số [19] = 0;
Chỉ tiêu 6 “Số thuế GTGT đã khai 12 tháng trong năm”
Chỉ tiêu này được ghi theo từng loại HHDV chịu thuế suất 5% (mã số [20]) và loại HHDV chịu thuế suất 10% (mã số [21]). Số liệu này được tổng hợp từ tờ khai thuế GTGT mẫu số 03/GTGT của 12 tháng trong năm.
Chỉ tiêu 7 “Chênh lệch số thuế GTGT phải nộp của năm so với số thuế GTGT đã khai 12 tháng trong năm”
Chỉ tiêu này phản ánh số tiền thuế GTGT chênh lệch giữa số thuế phát sinh phải nộp trong năm và số thuế đã khai 12 tháng trong năm. Chỉ tiêu này cũng được ghi theo từng loại HHDV chịu thuế suất 5% (mã số [22]) và loại HHDV chịu thuế suất 10% (mã số [23]). Trong đó:
– Mã số [22] = [18] – [20]
– Mã số [23] = [19] – [21]
Chỉ tiêu “Tổng số thuế GTGT kê khai thiếu ” – mã số [24] và “Tổng số thuế GTGT kê khai thừa” – mã số [25]:
+ Nếu [22] + [23] > 0 thì ghi vào dòng Tổng số thuế GTGT kê khai thiếu mã số [24];
+ Nếu [22] + [23] < 0 thì ghi vào dòng Tổng số thuế GTGT kê khai thừa – mã số [25].
Lưu ý khi lập tờ khai quyết toán thuế GTGT mẫu số 04/GTGT
– Các chỉ tiêu giá vốn, doanh số HHDV mua vào, bán ra phản ánh trên tờ khai đã bao gồm cả các khoản thuế và phí tính trong giá HHDV mua vào, bán ra.
– NNT mua bán vàng bạc, ngoại tệ, đá quý và NNT nộp thuế theo phương pháp tính thuế trực tiếp trên GTGT, thực hiện đầy đủ việc mua bán HHDV có hoá đơn, chứng từ, ghi chép sổ sách kế toán, trường hợp kê khai thuế phải nộp của tháng phát sinh GTGT âm (-) thì không phải nộp thuế GTGT, GTGT âm được kết chuyển để bù trừ vào GTGT phát sinh của tháng tiếp sau để tính thuế GTGT phải nộp và quyết toán thuế cả năm nhưng không được kết chuyển phần GTGT âm của năm quyết toán thuế sang năm sau.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về thủ tục và cách lập tờ khai quyết toán thuế GTGT theo mẫu 04/GTGT. Nội dung nêu trên được tổng hợp tại các văn bản pháp lý có hiệu lực tại thời điểm đăng tin vì thế nó chỉ mang tính chất tham khảo. Khi cần tư vấn các vấn đề liên quan đến vấn đề quyết toán thuế GTGT hãy liên hệ trực tiếp với Phạm và Cộng Sự để được giải đáp tốt nhất.